1. Kẹo cu đơ
Món đặc sản nổi tiếng của Nghệ An là trường hợp tiêu biểu cho món ăn không chút liên quan giữa tên và vị. Kẹo cu đơ vốn được làm từ đậu phộng thêm mật mía nấu sánh, bên ngoài là lớp bánh tráng giòn rụm. Kẹo cu đơ có phần hơi cứng, nhưng khi ăn là sự kết hợp hoàn hảo giữa các bùi béo của lạc, cái giòn của bánh tráng, cái ngọt của mật, thêm chút cay nồng của gừng.
2. Khoai deo
Nếu đến Quảng Bình, bạn sẽ thấy món khoai deo này bán rất phổ biến. Nhiều người thoạt nghe cứ nghĩ khoai deo là khoai dẻo nhưng không phải. Và dù khác nhau chỉ một dấu hỏi, nhưng khoai deo khác biệt hoàn toàn khi… cứng vô cùng.
Được biết để làm khoai deo, người ta phải chọn giống khoai lang đỏ qua nhiều công đoạn luộc phơi dưới nắng cho miếng khoai khô săn lại. Khi này khoai rất cứng và phải nhâm nhi từng tí một. Bù lại khoai deo có thể bảo quản rất lâu mà không lo mốc, hỏng.
3. Cơm âm phủ
Chữ âm phủ khiến khá nhiều người ái ngại khi nghe về món cơm đặc sản xứ Huế này, nhưng thực chất món này khá đặc sắc và đi liền với câu chuyện thú vị. Cơm âm phủ gồm các nguyên liệu như: cơm trắng, tôm, thịt nướng, chả lụa, trứng tráng, rau thơm, dưa leo, đồ chua đi kèm một chén nước mắm pha loãng…
i.am.thaoo
Được biết cái tên cơm âm phủ ra đời để chỉ bữa ăn của những người lao động đêm, người ta đem cơm và các loại rau, thịt… để chung một tô rồi trộn đều lên ăn trong bóng tối nhá nhem.
4. Tài lồng ệp
Nếu lần đầu đến Quảng Ninh, được giới thiệu món bánh này, thế nào bạn cũng phải hỏi đi hỏi lại về cái tên độc đáo ấy. Bánh tài lồng ệp là đặc sản của người Sán Dìu ở Quảng Ninh và được bán rất phổ biến ở vùng đất mỏ này.
Bánh có màu nâu đậm, bày thành từng tảng lớn, khách muốn mua bao nhiêu, người bán cắt từng ấy. Bánh tài lồng ệp được làm từ gạo nếp và mật. Ngoài ăn luôn, bánh còn có thể cắt lát mỏng rán lên để bánh thêm mềm dẻo.
5. Vũ nữ chân dài
Món ăn có cái tên nghe rất gợi cảm này thực chất là món khô nhái nổi tiếng của miền Tây. Món này được làm từ những con nhái cơm nhỏ sau khi được bắt về được lột sạch da, rửa sạch rồi tẩm ướp gia vị như muối, tiêu, ớt cho thấm đều rồi đem phơi khô, đến khi chỉ còn nhỏ bằng ngón tay.
Khô nhái rất dễ ăn và hợp chế biến thành món nhậu. Thường người ta chỉ cần nướng than hồng hoặc chiên mắm, chiên giòn rồi chấm với nước cốt me là có ngay món đặc sản.
6. Tung lò mò
Một món ăn miền Tây khác cũng khiến nhiều người tò mò khi nghe tên chính là tung lò mò. Thực ra tên nghe thì lạ vậy nhưng thực chất món này là một loại lạp xưởng bò của người người Chăm ở An Giang làm nên.
Tung lò mò được làm hoàn toàn từ thịt bò, tỉ lệ thịt và mỡ bò phải theo tỷ lệ hai thịt một mỡ đi kèm đó là tiêu sọ, hoa hồi… Tung lò mò ăn được chung với nhiều món, và thường được chế biến dưới 2 biến thể chiên hoặc nướng.