Do đặc thù địa hình đồi núi với những cánh rừng xanh mướt mát bạc ngàn, người Raglai ở Phan Dũng có tần suất đi rừng khá thường xuyên. Và trong những chuyến đi dài ngày ấy, loài nhện đen sọc vàng trở thành món ăn khoái khẩu lúc thực phẩm khan hiếm.
Nhện đen sọc vàng có 6 chân, thân màu đen có những sọc vàng dọc trên lưng và các đốm màu vàng dưới bụng. Con đực có pha chút màu phấn nên các sọc vàng nhạt hơn, không nổi bật bằng con cái. Thời điểm mùa mưa từ tháng 5 đến đầu tháng 8, khi cánh rừng sinh sôi, xanh mướt cũng là thời điểm nhện đen sọc vàng phát triển mạnh mẽ nhất.
Cách bắt nhện cũng tương đối đơn giản, những người sành nghề thường dùng một nhánh tre khô chặn phía trên lưới tơ rồi ụp xuống để chặn bắt bằng tay không. Nhện trưởng thành có kích thước lớn hơn ngón tay cái là những con thường được chọn. Chúng giăng tơ qua những nhánh cây rừng vừa tầm với hoặc cao hơn đầu người một sải tay.
Nhện rừng là món ăn đặc sản được người bản địa cực kỳ ưa chuộng bởi những thành phần dinh dưỡng dồi dào đối với sức khỏe. Vào những dịp thiếu thực phẩm thì đây là món ăn cứu đói vô cùng hữu hiệu.
Cách chế biến nhện cũng khá đơn giản. Dễ dàng nhất chính là xâu từng con một vào thanh tre rồi nướng bằng than củi. Trong trường hợp có đầy đủ dụng cụ nồi niêu xoong chảo, người ta rang nhện bằng nước mắm hoặc muối sẽ mang đến hương vị đậm đà hơn.
Nhện rừng ăn vào vừa bùi vừa béo, có chút tơ nhện rất đặc trưng. Tuy nhiên, không phải loại nào cũng ăn được. Chỉ có người đồng bào sống lâu năm ở đây mới phân biệt được nhện độc và không độc. Nếu ăn nhầm nhện độc có thể gây tử vong.